Chát đắng nơi đầu lưỡi, ngọt bùi tận tâm can

Có anh bạn tôi đã định cư bên Tiệp hơn 30 năm. Dạo gần đây anh về thường xuyên. Anh là doanh nhân có tiền, về tìm mối đầu tư làm ăn, thường kéo tôi đi đến những nhà hàng sang trọng.

Giờ đây trong tay anh đã vài công ty lớn, làm ăn sinh lời, tự động chảy trôi, anh không cần lúc nào cũng túc trực. Sự đời có lẽ thế nên lại sinh nhiều tâm sự.

Anh bảo tôi: “Này cậu có biết giờ tôi thèm nhất cái gì không?” Anh hỏi rồi tự trả lời: “Tôi thèm nhất một miếng bánh trung thu beo béo ngầy ngậy, uống với trà ngon”.

Thế nên mỗi lần về, dù bận đến mấy anh đều dẹp hết lịch trình, nhằm dịp miền Bắc vào thu, trên mỗi con phố từng hàng cây Hà Nội vàng lá. Có lẽ chúng tôi cũng đang ở cái tuổi “vào thu”, không màng những nhà hàng sang trọng. Thường kéo nhau vào một trà thất thân quen, nhâm nhi sự đời, nhìn lá vàng rơi, kiệm lời trầm tĩnh.

Hôm đó, anh đột nhiên hỏi tôi: Tại sao ăn bánh trung thu lại phải uống trà mới tròn vị nhỉ?
Tôi bỗng ngơ ra một lúc. Đối với anh em chúng tôi ở đây, ăn bánh uống trà là chuyện quá đương nhiên. Nhưng chợt thấy câu hỏi của anh cũng thật thú vị.

Có lẽ, vị ngọt đậm đà của bánh Trung thu là mùi vị có thể hòa quyện trọn vẹn với vị đăng đắng, chan chát của trà. Cũng như cuộc sống, hai vị đó bổ sung cho nhau thật hoàn hảo.

Có vị đắng, vị ngọt dường như đậm và thấm hơn

Có vị ngọt, vị đắng trở nên dễ chịu mà càng sâu sắc.

Ngọn gió vàng heo hắt của mùa thu, tiếng lá rụng ngoài hiên nhắc nhở vị đắng của những ngày tháng bần hàn cực nhọc, nhưng cũng ngọt ngào vui thú lạ lùng. Bởi đó là cả tuổi trẻ của chúng tôi.

Chúng tôi không ai bảo ai, nhón nhẹ miếng bánh Trung thu sớm, rồi nhấp chén trà ô long thật chậm, cảm nhận vị ngọt đắng hòa quyện vào nhau.

Thật là, chát đắng nơi đầu lưỡi, lại ngọt bùi tận tâm can.