Bạn đã hiểu đúng về thiền trà?

Thiền trà là cơ hội để trân quý sự có mặt bên nhau trong tình đạo và trong tinh thần hòa hợp. Thiền trà là một nghi lễ. Trà chủ, trà khách và người pha trà ai cũng thực tập chánh niệm trong từng cử chỉ và trong từng giây phút. Vị trà chủ và người pha trà (gọi là trà giả) là những vị đã từng được huấn luyện trong nghệ thuật làm trà chủ hay pha trà: cách đi đứng, cách dâng hương, cách pha trà, truyền bánh… đều biểu lộ chánh niệm, tỏa chiếu sự an lạc và thảnh thơi. Trà khách cũng được hướng dẫn thực tập trong vòng hai mươi phút trước khi tham dự vào buổi thiền trà.

Một buổi thiền trà đúng nghĩa sẽ diễn ra trong sự chánh niệm:

Sau phần đón chào, dâng hương và lạy Bụt, mọi người ngồi xuống thành một vòng tròn, theo dõi hơi thở chánh niệm giống như trong một buổi thiền ngồi. Ta có thể theo dõi những động tác của người trà giả và thở trong chánh niệm, an trú trong giờ phút hiện tai. Trà và bánh đã dâng lên Bụt, khay bánh và trà được chuyền đi trong chánh niệm với búp sen chắp tay và nụ cười.

Sau lời mời của vị trà chủ, mọi người nâng chén trà lên và cùng uống trà và ăn bánh trong chánh niệm. Chỉ một chén trà và một chiếc bánh con cũng đủ tạo cho mọi người niềm an lạc hạnh phúc trong một hoặc hai tiếng đồng hồ.

Sau mươi phút uống trà và ăn bánh im lặng trong chánh niệm, vị trà chủ sẽ mời mọi người chia sẻ niềm vui và kinh nghiệm tu học. Ta có thể kể một câu chuyện, hát một bài hát, ngâm một vài câu thơ hoặc đàn một bản nhạc để giúp cho buổi thiền trà thêm ý vị. Khung cảnh chánh niệm đuợc duy trì cho đến phút chót khi vị trà chủ và các vị trà giả cảm ơn và tiễn đưa mọi người ra tận cửa trà đường.”

Khi tham dự một buổi Thiền Trà, hai tay nâng chén trà, hát bài thi kệ, chúng ta mới cảm nhận được cái thanh tịnh của Thiền Trà: Chén Trà trên hai tay / Chánh niệm dâng tròn đầy / Thân và tâm an trú / Bây giờ và ở đây.