Trà Việt Tú đưa thương hiệu chè Đường Hoa vươn tầm quốc tế
Sau giai đoạn “khủng hoảng” 2014-2016, với định hướng của địa phương, sự thay đổi tư duy của người trồng chè, màu xanh đã trở lại trên những đồi chè Hải Hà. Hiện, với sự mạnh dạn tiên phong của doanh nghiệp, một hướng đi mới đã mở ra, thương hiệu chè Hải Hà đang nỗ lực tiến vào thị trường quốc tế, đặc biệt với sự nỗ lực của thương hiệu Trà Việt Tú.
Chè Hải Hà một thời lao đao
Đối với những người trồng chè và làm chè tại Quảng Nnh, sản phẩm chè Đường Hoa Thuấn Quỳnh không còn là một cái tên xa lạ. Xuất phát điểm là một người “buôn” chè thô bán sang thị trường Trung Quốc, bà Hà Ngọc Quỳnh, chủ cơ sở chè Thuấn Quỳnh cũng là người đầu tiên đưa giống chè Ngọc Thuý về trồng tại Hải Hà thay cho cây chè trung du lá nhỏ có giá trị kinh tế không cao. Hợp khí hậu, thổ nhưỡng, giống chè Ngọc Thuý đã sinh trưởng phát triển tốt tại mảnh đất Hải Hà, được xuất khẩu vào các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, mang lại lợi nhuận cao và có thời điểm đã trở thành giống cây “thoát nghèo” tại huyện miền Đông này.
Tuy nhiên, giai đoạn năm 2014-2016, khủng hoảng ập tới khi hàng trăm tấn chè khô Hải Hà bị thị trường Đài Loan từ chối sau khi áp các tiêu chuẩn về dư lượng fipronil trong chè thành phẩm không vượt quá 0,002 ppm – là tiêu chuẩn áp dụng cho chè sản xuất hữu cơ và là rào cản kỹ thuật không thể vượt qua đối với chè sản xuất truyền thống. Một trong những thị trường chính “đóng cửa”, cây chè Hải Hà thời điểm đó gặp nhiều lao đao. Có những thời điểm, nhiều đồi chè bị bỏ hoang, không người thu hái.
Bà Hà Ngọc Quỳnh chia sẻ: Lúc đó, nhìn những xe chè xuất khẩu quay đầu trở về, chè tươi không ai hái, chè khô thì chất trong kho, tôi từng muốn bỏ nghề trồng chè. Thế nhưng nghĩ đến bao năm gắn bó, chúng tôi quyết tâm đứng dậy. Rút kinh nghiệm từ rào cản về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng được siết chặt hơn, và chắc chắn sẽ tiếp tục ngặt nghèo hơn, chúng tôi quyết định phải chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang canh tác hữu cơ 100%, để chè Hải Hà không chỉ ngon mà nhất định phải sạch, tốt cho sức khoẻ.
Quyết tâm vực dậy ngành chè bằng VietGAP
Quyết tâm của bà Quỳnh cũng là định hướng của ngành nông nghiệp Hải Hà để vực dậy vùng chè, gìn giữ và phát triển thương hiệu chè Hải Hà. Huyện đã triển khai đề án tổng thể phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao giai đoạn 2016-2020. Theo đó, huyện đã hỗ trợ các mô hình đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh theo quy trình VietGAP; dành nguồn lực cho sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà xưởng; chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ chế biến; khuyến khích trồng những giống chè mới, có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh như Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên…
Từ những nỗ lực đó, màu xanh đã dần trở lại trên những đồi chè Hải Hà. Từ đó đến nay, việc tiêu thụ chè của Hải Hà đã có dấu hiệu được cải thiện, các doanh nghiệp đã xuất được số lượng lớn sang các thị trường Nga, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ… Tuy nhiên, cây chè Hải Hà chủ yếu mới dừng lại ở xuất khẩu nguyên liệu thô, chưa thể lấy lại được vị thế của một thương hiệu từng được mang đi phục vụ tại Hội nghị Paris những năm 1970.
Từ những trăn trở đó, năm 2021, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Tú đã quyết tâm phải hình thành một vùng chè có chất lượng cao và tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Đường Hoa. Trên đồi chè có diện tích 15ha, một quy trình sản xuất hoàn toàn hữu cơ, được giám định thường xuyên từ mẫu đất, mẫu nước, trồng và thu hái thuận tự nhiên, đã được xây dựng và áp dụng, đem lại kết quả là một vùng chè nguyên liệu đảm bảo các tiêu chuẩn gắt gao nhất của Đài Loan và Nhật Bản. Chè tươi còn được chế biến thành nhiều dòng cao cấp khác nhau như hồng trà, lục trà, ô long… đáp ứng thị hiếu của nhiều thị trường khó tính về trà. Đồng thời, đơn vị cũng tập trung xây dựng câu chuyện thương hiệu về một sản phẩm trà biển – đặc trưng không nơi nào có về vùng chè Đường Hoa, nơi có núi, có biển, với đặc điểm khí hậu thổ nhưỡng riêng biệt, tạo nên hương vị độc đáo và riêng có của trà nơi này, trở thành dấu ấn và định vị thương hiệu riêng cho chè Đường Hoa khi so sánh với chè Thái Nguyên, chè Tân Cương hay chè Lâm Đồng…
Trà Việt Tú chinh phục thị trường khó tính
Bà Phạm Thị Thanh Hương, CEO Chè Đường Hoa Việt Tú chia sẻ: Chúng tôi muốn thị trường thế giới biết đến chè Đường Hoa, chè Hải Hà và Quảng Ninh. Đó là lý do vì sao chúng tôi quyết tâm mang những sản phẩm chè made-in-Việt Nam xuất khẩu chính ngạch. Để làm được điều này, chúng tôi cũng đã được hỗ trợ rất nhiều từ phía các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, chè Đường Hoa Việt Tú đã nhận được sự đón nhận của nhiều thị trường khó tính. Chúng tôi tin rằng, với sự tiên phong của mình, những người dân, những doanh nghiệp sản xuất chế biến chè Đường Hoa, Hải Hà cũng sẽ mạnh dạn đầu tư, nâng chất cây chè để tìm lại vị thế, uy tín cho vùng chè này.
Giai đoạn 2022-2025, huyện Hải Hà cũng triển khai dự án cơ cấu lại ngành chè. Trong đó, áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh, tiếp tục hỗ trợ thực hiện đầu tư thâm canh chè theo VietGAP; hỗ trợ nâng cấp cải tạo nhà xưởng, dây chuyền chế biến; đánh giá cấp chứng nhận HACCP cho cơ sở chế biến; chuyển giao quy trình thâm canh và chế biến chè chất lượng cao, hỗ trợ phát triển giống chè mới Hương Bắc Sơn…